BẠN CÓ ĐANG VIẾT CHO SAI NGƯỜI?

Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống này chưa? Bạn dốc hết tâm huyết, chắt lọc những điều thật sự ý nghĩa và chân thành muốn chia sẻ với xung quanh. Nhưng người tiếp nhận vẫn phán xét “Con này viết lắm thế ai rảnh đâu mà đọc!” “Lên mặt dạy đời, làm mẹ thiên hạ àh?” “Ngàn năm văn vở.”…

Bản thân mình qua một vài lần viết dài trên trang cá nhân, gặp một số chỉ trích từ người thân quen mình đã rất buồn, và không định viết nữa vì không gặp được sự đồng điệu. Nhưng sau đó mình nhận ra một điều. Những gì mình viết có thể chưa hay nhưng không có gì sai, cách mình lựa nơi và đối tượng để chia sẻ những điều đó mới chưa đúng.

Nếu mình tin là bài viết của mình có giá trị, mình cũng cần có sự tỉnh táo để lựa nhóm người xem phù hợp để chia sẻ tâm huyết, ước mơ, hoài bão của mình. Mong muốn có sự đồng cảm từ tất cả mọi người là một sai lầm ngốc nghếch.

Vậy làm thế nào để viết đúng, đúng cả về nội dung lẫn đúng về độc giả tiếp nhận nội dung? Ở đây mình chỉ dựa trên chiêm nghiệm cá nhân, vì mình viết còn non và lan man, mình cũng chưa từng qua trường lớp đào tạo bài bản về viết (nói chung) hay viết trong marketing (viết cho nhãn hàng, SEO,…).

Có thể gói gọn đúc kết của mình như sau:

  • Bài viết thiên về cảm xúc, kể về kỷ niệm, viết để chữa lành: Bạn có thể sử dụng ngay chính câu chuyện của bạn, hoặc của người quen biết đem đến cho bạn thông tin để làm chất liệu viết. Giọng điệu không cần cầu kì, chỉ cần thật sự chạm đến trái tim bạn, bài viết có thể chạm đến trái tim những người đồng cảm. Tuy nhiên cần chú ý là những người đang vật lộn trong đau khổ, nếu giọng văn của bạn quá trịch thượng và sáo rỗng, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, vì không đem lại giá trị cho người cần đọc mà trở thành giáo điều.
  • Bài viết về chia sẻ kinh nghiệm, quá trình thay đổi của bạn trong cuộc sống: như kinh nghiệm chọn lọc đồ ăn dinh dưỡng, quá trình tập luyện để có cơ thể khoẻ mạnh, kinh nghiệm về quản lý tài chính… Nếu bạn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, nên viết những gì mình đã thật sự trải qua để có sự chân thực và chi tiết nhất. Bạn không thể viết về marathon chỉ bằng thông tin tìm kiếm trên mạng nếu bạn chưa thật sự xỏ giày vào và tập chạy. Người tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra những điểm “đâu đâu cũng là lý thuyết suông” và bạn trở thành “lên mặt dạy đời” về một lối sống mà chính bạn chưa từng trải qua.
  • Bài viết khách đặt hàng, review sản phẩm, tăng sale, chuẩn SEO: chắc hẳn không phải sản phẩm nào cũng là thế mạnh hoặc bạn đã sử dụng, nhất là những nhãn hàng có bề dày lịch sử. Việc đầu tiên là cần xác định đối tượng khách hàng (TA – Target Audience) và tìm hiểu về hành vi của nhóm này, để phân tích xem điểm nào của sản phẩm, cách dẫn dắt nào sẽ chạm đến chú ý của nhóm này. Ví dụ bạn chưa có xe oto nhưng bạn hoàn toàn có thể là một người viết về một chiếc xe sắp tung ra thị trường, điều này đòi hỏi một công phu tìm hiểu về nhãn hàng, sự khác biệt giữa sản phẩm này với các xe cùng phân khúc, đặc điểm nổi bật mà nhà sản xuất cam kết đem đến cho khách hàng. Sau đó là xác định cách viết, hướng tiếp cận, đương nhiên sẽ không thể dùng cách hành văn hay sử dụng cho các sản phẩm bỉm sữa để mô tả và dẫn dắt cho một chiếc xe sắp ra mắt. Nếu có thể được sử dụng và trải nghiệm chính sản phẩm đó, thì bài viết của bạn sẽ càng chắc chắn về lập luận và độ hiểu biết, nhất là những sản phẩm công nghệ hay gia dụng.
  • Bài viết về một sự kiện đang nóng hổi: cần xác định mục đích của người viết, giá trị thật sự của bài viết. Viết đến đây mình có chút ngần ngại vì mình là người khá dị ứng với dạng này, mình sợ có định kiến. Nhưng mình nghĩ trong dòng chảy thông tin cuồn cuộn hiện nay, đây sẽ là một dạng mà xuất hiện rất nhiều trên các trang mạng. Mình chỉ đơn giản phần này, viết gì cũng cần đặt sự thật lên hàng đầu, một nửa sự thật không phải là sự thật. Một người viết giỏi sẽ biết cách đặt câu hỏi, phân tích, mổ xẻ để nhìn nhận sự việc đa chiều và tốt nhất là đừng thêm gia vị của sự phán xét chủ quan.

Như  bạn thấy mình chỉ liệt kê sơ sơ cũng có một vài dạng nổi bật như trên, không phải ai cũng hứng thú với tất cả nên viết ra cần nhìn nhận rõ mục đích của mình để lựa chọn văn phong phù hợp với đối tượng độc giả hướng tới.

Hiện mình cũng chỉ mới ở bước sơ khởi, cố gắng lọc lựa thông tin phù hợp khi viết mà cũng không để mất cảm xúc của mình. Mỗi ngày chau chuốt và để ý, về cả mục đích viết , đối tượng hướng tới, cách sử dụng kỹ thuật và cảm xúc, sẽ mài dũa khả năng kể chuyện bằng câu chữ của mình. Biết bao tẩy xoá, trăn trở, sửa đổi để làm ra tác phẩm cuối cùng, kiên nhẫn và trau dồi sẽ đem lại cho bạn rất nhiều kinh nghiệm trên hành trình viết.

Về phần tác giả, đọc lại bài viết thật kỹ, tập biên tập, tập cắt đi những dư thừa, tập lắng nghe nhận xét, tập đặt mình vào tâm thế người đọc để trao những giá trị cốt lõi. Quan trọng nhất là đừng nản, có những tác phẩm, người đọc và người viết phải hữu duyên mới gặp gỡ và đồng điệu.

Joy Vo,

Tháng 04,2023