BẠN CÓ ĐANG THỰC SỰ ỔN?

Bạn có đang ổn?

Bạn có đang trong trạng thái bên ngoài thì vui tươi nhưng trong lòng chất chứa sầu muộn?

Liệu bạn có gọi được tên nỗi sầu của mình?

Mình đã từng trong trạng thái chới với vì không biết mình muốn gì, không nhìn nhận ra được giá trị của bản thân và có quá nhiều người xuất chúng ở xung quanh.

Tất cả những tâm lý đó xuất phát từ hai điều: sự so sánh và sự bị động.

Chúng ta hay có xu hướng so sánh với xung quanh về cuộc sống, sự thành công, niềm hạnh phúc. Vốn không thể trách chính bản thân vì từ khi sinh ra ta đã luôn được dạy dỗ bởi sự so sánh.

Những đứa bé mới lọt lòng thì bị so sánh bằng chiều cao, cân nặng, lượng sữa tiêu thụ. Lớn hơn chút đi học tiểu học, rồi đến phổ thông thì so sánh bởi bảng điểm, bởi thành tích trong khi tất cả các môn đều học cào bằng. Lên đến đại học hay ra trường thì người lớn lại hơn thua với nhau bởi cái bằng, nghề nghiệp hay thu nhập.

Chúng ta không được dạy rằng mỗi người sinh ra đều có những nét khác nhau, đều là những bản thể độc lập với sở trường và sở đoản khác nhau. Chúng ta cũng không hề được dạy, hạnh phúc với người này có thể là ngôi nhà to với thật nhiều của cải, nhưng hạnh phúc với người kia là được chu du khám phá những vùng đất mới.

Sự so sánh vốn là vô nghĩa nếu không được đặt chung một hoàn cảnh, một thế giới quan, một nhân sinh quan hay cùng một số điều kiện nhất định mới có thể làm nổi bật ý khác biệt. Sự so sánh đổ đồng tất cả giá trị, mọi khác biệt đều được cào bằng chỉ khiến mỗi chúng ta trở nên bất lực và đau khổ trong cái áo quá khổ của định kiến xã hội.

Mạng xã hội ngày nay còn giúp phóng đại tối đa sự so sánh giữa mỗi con người và giữa các nhóm người. Khi con người với bản năng tò mò và hóng hớt, luôn muốn biết cuộc sống của bạn bè, hàng xóm, họ hàng diễn ra như thế nào thì xu hướng so sánh càng tăng cao.

Có thể bạn không nhận ra, nhưng chính việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội đã đẩy sự phân tầng và khoảng cách giữa người với người ngày càng xa. Con người vốn yếu ớt trong suy nghĩ, càng dễ bị cuốn vào vòng xoáy tò mò – so sánh – chán nản – tiêu cực.

Nếu có thể nhận ra những điều không hợp lý trong suy nghĩ và chuẩn mực được dạy dỗ từ xưa, ta có thể tìm cách thoát ra cái gông cùm vô hình và đạt được cuộc sống như mình ao ước. Niềm vui nỗi buồn là của riêng mỗi người, như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng, điều đó vốn không thể cân đo đong đếm. Chỉ cần với bước đầu nhìn nhận đúng về bản thân, không tự so sánh với ai khác, bạn đã có thể gọi tên và lược bớt nỗi buồn sầu trong lòng.

Sự bị động trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến chúng ta luôn mắc kẹt ở một tình huống nào đó, đó là những cái bẫy của cuộc đời.

Bạn có bao giờ cảm thấy mình luôn không đủ thời gian và chưa làm được những điều giá trị cho bản thân. Bạn luôn ca thán, phóng đại về sự bận rộn, ước ao có nhiều hơn 24 tiếng một ngày để có thời gian tập thể dục, có thời gian đọc một cuốn sách hay có thời gian thiền định nhưng tất cả chỉ dừng ở sự bất lực.

Bạn đang ở trong một cái bẫy của cuộc đời khiến bạn luôn kiệt sức và mệt mỏi mà không cách nào thoát ra được.

Cuộc đời là của bạn nhưng thời gian dành cho những niềm vui nỗi buồn và ước mơ của người khác.

Bạn không tìm thấy niềm vui đích thực nên phải tìm quên trong những scandal, hít hà những drama để vui qua ngày. Những niềm vui ngắn ngủi có thể khiến bạn hứng thú trong chớp mắt nhưng tựu trung đó không phải là chuyện của bạn, những điều vốn không đem lại giá trị cho cuộc đời bạn. Nhìn ngó xung quanh, cộng thêm sự so sánh bạn càng mệt mỏi vì sự bất lực của bản thân.

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình không thể rời xa chiếc điện thoại hay mạng xã hội? Tại sao mình không thể dành ra 15 phút mỗi ngày để tập thể dục, 10 phút mỗi ngày để đọc vài trang sách hay chỉ 5 phút mỗi ngày để thiền định? Có bao giờ bạn đã thực sự chủ động với quỹ thời gian và cuộc sống của mình.

Bạn chưa chủ động không phải vì không biết, mà vì bạn hiểu được sự phức tạp và cố gắng nếu muốn dành được sự chủ động trong cuộc sống.

Bạn biết được cơ bắp sẽ đau mỏi nếu bắt đầu tập thể dục, bạn biết việc đọc sách sẽ khó tiếp thu hơn hóng một drama trên mạng, bạn biết 5 phút ngồi thiền sẽ không vui bằng xem một clip hài trên tiktok. Vì biết những cảm giác sẽ trải qua nên bạn chọn trì hoãn với câu nói “Để ngày mai…”.

Ngày mai này đến ngày mai khác tiếp diễn và bạn lại lạc vào cái bẫy thời gian không bao giờ thoát ra. Để đến một hôm bạn nhận ra thời gian đã không còn nhiều mà bạn chưa có thành tựu nào trong tay. Thành tựu ở đây không phải là những thứ lớn lao như chức vị, danh vọng, tài sản. Thành tựu ở đây chỉ đơn giản là sự phát triển và nỗ lực của bản thân qua nhiều ngày tháng. Đó là sự tích cóp, học hỏi, phấn đấu trong khi những người khác đang phung phí thời gian. Đó là nền tảng cho sự tự tin và niềm vui thật sự phát triển ngay chính bên trong con người, nội lực của bạn.

Hạnh phúc thật ra vô cùng đơn giản, nhưng chúng ta lại rơi vào quá nhiều cái bẫy nên khiến việc hạnh phúc hoá phức tạp.

Chỉ cần bớt đi sự so sánh không cần thiết và nắm sự chủ động trong việc phân bổ thời gian đã cho ta khả năng đắm chìm trong niềm vui sống mỗi ngày.

Suy cho cùng, mỗi ngày vui là với 24 tiếng trôi qua ta tạo ra giá trị và sống đúng với bản chất chân thực. Một cuộc đời hạnh phúc là cuộc đời có thật nhiều ngày trọn niềm vui.