HÒN ĐÁ HAY DÒNG NƯỚC?

Mình đọc ở đâu đó một câu nói đại ý “Nếu muốn mọi thứ như cũ, bạn phải không ngừng thay đổi”.

Mình thấy điều đó không sai, nhất là trong khía cạnh công việc. Mọi người đều khuyên nhau, hoặc bạn vô tình đọc vài cuốn sách cảm hứng cuộc đời, rằng hãy chọn công việc bạn yêu thích bạn sẽ tận hưởng cảm giác mỗi ngày đi làm là một ngày vui.

Ngày mới ra trường mình cũng nghĩ vậy, nên sau 3 năm đi làm thì mình bỏ ngang ngành ngân hàng, đúng chuyên môn được đào tạo và tốt nghiệp ở đại học, mà nhảy qua lĩnh vực tổ chức sự kiện.

Vậy câu nói đó đúng không nhỉ?

Sau bao năm lăn qua lộn lại trong ngành, đúng vế đầu “làm công việc bạn yêu thích” nhưng vế sau thì sai bét nhè, ở đâu ra cái chuyện đi làm ngày nào cũng vui.

Công việc mà, làm lâu thì chắc hẳn có 1001 chuyện, dù trong ngành nghề lĩnh vực nào cũng vậy. Bạn sẽ bắt đầu ở một mức thấp nhất và tiến dần lên một mức cao hơn theo thời gian, cho đến khi đạt một đỉnh cao nào đó trong sự nghiệp, nếu không có sự thay đổi hay cải tiến, cái đỉnh cao đó tự nhiên thành một điểm bão hoà mà từ đó bạn chỉ có đi xuống.

Từ khi đạt đến đỉnh cao và nếu may mắn ở trên đó lâu một chút, lại dễ nảy ra tự mãn, cho mình là giỏi giang hơn người, nhìn quanh ai cũng không vừa mắt, sao dễ thế này mà không nghĩ ra, sao hở tí là phải đi giải quyết vấn đề dùm người này, sao người kia làm việc cái kiểu gì thế nhỉ.

Nhưng bạn ơi, tỉnh táo lên, làm gì có công việc nào mà chỉ cần một người động tay là hoàn thành được, bạn có giỏi đến thế nào cũng không phải ông trời để mà một tay gánh vác cơ đồ. Càng lên cao càng nên hạ cái tôi của mình xuống là sự thay đổi đầu tiên mà mình học được, hạ cái tôi xuống mới biết lắng nghe, mới hiểu dùm cho cái khó của những người xung quanh mà tìm cách gỡ.

Xét cho cùng thì dù có cự cãi nhau thế nào, đồng nghiệp vẫn là anh em trên cùng một chiếc thuyền, cùng xông pha góp sức cho dự án cho công ty, mỗi người một tay đẩy cho chiếc thuyền đó tiến tới, người ta có hụt hơi chút thì mình chèo giúp một đoạn cũng là lẽ thường. À mà nhớ là một đoạn thôi nhé, còn chèo luôn là khía cạnh khó đỡ nói sau.

Khách hàng là một phạm trù khác cũng day dứt trăn trở không kém. Khách hàng là ai? Nói thẳng ra là người đem lại miếng cơm manh áo cho chúng ta, những người trả tiền cho chúng ta đưa ra giải pháp hay dịch vụ giải quyết khúc mắc nhu cầu của họ. Nên khách ho khi nào, khách ngứa ở đâu là phải nắm nhất cử nhất động rồi uyển chuyển uốn mình theo thay đổi của ngọn gió thường xuyên đổi chiều.

Có khi khách hàng còn khó hiểu hơn crush, mới câu trước “Anh thấy phương án này ổn..” thì qua vế sau đã là “..nhưng mà em có thể điều chỉnh chỗ này này này này được không?”

Ủa anh? Ổn mà còn điều chỉnh là ổn chỗ mô?

Đặc điểm của khách hàng là vừa đánh vừa xoa, vô chiêu thắng hữu chiêu. Trước khi gặp khách hàng tiên liệu ngàn tình huống xảy ra thì thực tế toàn bị đánh úp bởi những thông tin hay yêu cầu mà cả hội không ngờ tới. Cao thủ võ lâm chính là khách hàng thượng đế

Nhưng chiều theo khách hàng mãi không phải là một ý hay. Cũng là được truyền đời tuyệt chiêu “Gió khách hàng chiều nào mình nương theo chiều ấy” nhưng nhiều khi lại trúng phải gió độc, lăn đùng ra sùi bọt mép. Cũng nên tôi luyện để có một đầu óc tỉnh táo, để cân nhắc lúc nào cần nương lúc nào cần nắn.

Khách hàng lâu lâu cũng như con trẻ trong nhà, gặp gì cũng thích, thấy gì cũng đòi, đôi lúc cần uốn nắn mới nên hình hài. Lúc này là lúc cần thay đổi, cần cập nhật xu hướng mới, lọc lựa cẩn thận, ghi chú tỉ mỉ để đề xuất cho khách phương án không những khả thi nhất mà còn tối ưu chi phí nhất.

Nếu cứ theo lối mòn cũ trong tư duy, ỷ mình thân thiết với khách mà quên đi trách nhiệm phận làm tư vấn là phải đi trước khách vài bước để dẫn đường, đôi khi phải tự hoại bóng hình cũ mà xây dựng hình ảnh mới mẻ trong mắt khách, nếu không thì sớm muộn khách cũng tạm biệt mình đi qua con thuyền khác rẽ sóng êm ái kèm dịch vụ tươi hơn.

Bởi vậy câu chuyện làm điều mình thích vẫn là câu chuyện hay, nên bắt đầu từ thứ mình thích. Nhưng sau đó còn là học thêm, tìm tòi, thay đổi, về cả tư duy và kiến thức thì mới vun đắp được niềm yêu thích với công việc dài lâu. Chứ qua năm bảy năm mà vẫn tinh khôi như ngày đầu bước vào nghề, vẫn mãi là “tấm chiếu chưa từng trải” thì lúc soi gương còn thấy ngán chính mình, chứ đừng nói đến đồng nghiệp hay khách hàng bị bội thực món cũ.

Thay đổi để phát triển là một điều tốt trong công việc, mỗi ngày công nghệ hay xu hướng đều đang chuyển dịch một cách mạnh mẽ.

Hoặc cứng nhắc như đá để một ngày kia bị bứng đi, hoặc uyển chuyển thay đổi như dòng nước để len lỏi qua khó khăn hoà vào biển lớn, lựa chọn là ở bạn.

Joy Vo,

Tháng 01, 2022