NHẬT KÝ COVID_ĐIỀU KỲ DIỆU TỪ CĂN BẾP

Sài Gòn, tháng 09/2021

Không biết cuộc sống của mọi người dạo này thế nào?

Mình vẫn ổn, dần quen với việc ở nhà trong hơn 4 tháng nên cảm giác cuồng tay cuồng chân, cảm giác cần giao tiếp gặp gỡ người này người kia, cảm giác phải đi đâu đó cuối tuần khám phá thế giới đã không còn cuồng nộ trong tâm trí mình như những ngày đầu giãn cách xã hội rồi. Nhờ vào dịp ở nhà dài ngày bất đắc dĩ này, mà mình có nhiều cơ hội hiểu hơn về bản thân cũng như người bạn đời của mình.

Ngày chưa Covid, chả bao giờ mình nấu ăn quá 3 lần/tuần. Phần lớn là ăn ở hàng quán bên ngoài hoặc order về ăn vì mình và chồng đều thuộc dạng hay đi lại, ít ở nhà. Với tâm lý là nấu ăn thì phải đi chợ, bày bừa, dọn dẹp phức tạp nên thường chỉ cuối tuần rảnh rỗi hay hứng lên bất chợt với món gì mà ở ngoài bán không ngon mình mới nấu.

Mình hồi trước cũng không tự tin thoải mái  lắm với khả năng nấu ăn của mình, nhiều khi trộm nghĩ chả lẽ mai mốt đẻ con suốt ngày cho nó ăn đồ ở ngoài? Một phần vì mình biết nấu ăn lúc phải xa nhà đi học nên cũng không được mẹ chỉ dạy món gì bài bản. Phần khác mình cũng không khoái lắm việc nấu nướng xong dầu mỡ dơ dáy và mùi đồ ăn hôi hám bám đầy người.

Nhưng đời không như là mơ, ai mà ngờ tới cái lúc phải xắn tay lao vào bếp chứ không lấy gì mà ăn. Khả năng thì có hạn mà cái nết ăn uống mâm cơm phải đủ món nó thấm nhuần từ nhỏ, nên dù ngao ngán mình vẫn phải lao vào bếp nấu đủ thứ cho suốt mấy tuần liền shipper công nghệ bị cấm ở Sài Gòn. Mà kiểu cũng hên hên có khiếu, rồi chồng cũng hay ra hỏi thăm, có mấy cái máy cũng tiện việc nấu nướng, nên dần quen việc bớt bực bội.

Càng nấu càng thích bày món ra nấu. Kiểu bày biện xong nhìn món ăn hay mâm cơm tươm tất thấy mình cũng kiểu xịn xịn thế nào ấy. Với nấu cho chỉ vợ chồng 2 người ăn nên thích gì nấu đó, mà mình phát hiện tâm trạng càng tốt nấu càng chuẩn hơn.

Mới đầu cũng mệt mỏi dữ lắm, có bao giờ phải nấu thường xuyên đến vậy đâu, nấu mỗi ngày dọn dẹp mỗi ngày. Được cái, chồng mình cũng tâm lý nên lâu lâu đổi bếp chính vô nấu mấy món tủ như hủ tíu bún bò, thế là mình kiểu được off 1-2 ngày lại vui vẻ nấu tiếp.

Đến khi thực sự phải sử dụng đến căn bếp của mình, mới hiểu ngày xưa ông bà xưa đánh giá tầm quan trọng của việc giữ lửa, giữ hơi ấm thông qua gian bếp. Mỗi món ăn làm ra không chỉ là tâm huyết của người nấu mà còn là một phương thức truyền đi biết bao tâm tư, tình cảm của người nấu đến người ăn.

Mình đã từng ghét nấu nướng lắm. Bởi vì không phục tâm lý của người Việt là nấu nướng việc của đàn bà. Kiểu phải hy sinh này kia cho gia đình cắm mặt vào xó bếp không có niềm vui riêng. Suốt từ lúc nhỏ đến năm 18 tuổi mình chưa bao giờ nấu món gì ở nhà, kể cả bắc nồi cơm điện chứ đừng nói đến việc nấu mâm cơm hay nấu cỗ. Nếu mà ngày đó được dạy nấu ăn là một kĩ năng cần thiết để sinh tồn, là một cách giúp đem lại niềm vui cho người thân cho gia đình chắc mình cũng ráng siêng một chút học lóm ngón nghề của mẹ của bà rồi.

Rồi cũng phải nói, nhờ Covid mà vợ chồng mình chịu dành thời gian ngồi ăn với nhau nhiều hơn. Ngày trước mình làm công ty sự kiện, chồng mình thì làm ở về thu âm, sáng tác, sản xuất âm nhạc nên giờ giấc trái chiều. Buổi trưa phần lớn là ăn riêng, còn buổi tối thì chúng mình đều có những cuộc hẹn riêng. Nếu không phải là hẹn với bạn bè/công ty/đối tác thì cũng dành thời gian để đi tập thể dục hoặc đi học một món gì đó mới, chẳng bao giờ chúng mình về nhà trước 7h-8h tối nên việc ăn tối chung với nhau chỉ có thể là cuối tuần hoặc hẹn nhau ở một quán xá nào đó.

Vậy mà nay tụi mình mỗi ngày hết ăn trưa rồi ăn tối cùng nhau. Ấy vậy mà tụi mình vẫn sống sót vui vẻ qua con trăng cùng nhau trót lọt. Mỗi ngày hỏi nhau “Trưa mai anh muốn ăn gì?” hay “Nay vợ định nấu món gì?” hay “Trong tủ lạnh còn gì để nấu món abc được không nhỉ?” tự nhiên thành thói quen mới. Ngồi ăn chung cũng thành quen, có họp hành gì cũng phải ráng né cái thời gian ăn trưa với ăn tối, rồi cũng lại thói bày vẽ sau ăn có tráng miệng nên vợ nấu rồi thì anh lo phần tráng miệng nha.

Tự nhiên cái nết nó đổi, lại bắt đầu thích nấu ăn và thích ăn chung với nhau, nhiều khi cũng hơi cự vụ dọn rửa. May mà hồi làm nhà chắc cũng được tổ tiên mách bảo nên mua sẵn cái máy rửa chén. Ngày nào bày ra nấu mấy món phức tạp cần nhiều đồ thì cứ tống vào đấy cho máy nó rửa chứ tội gì lọng cọng mất vui.

Thèm món gì cũng lăn vào bếp mới thấy cái thời bình thường mình ăn xài hoang phí biết bao cho hàng quán bên ngoài. Mấy món mình sợ họ làm bậy không dám ăn uống như trà sữa hay thức ăn nhanh giờ lại thèm lên thèm xuống, lao vào bếp nấu nồi trà sữa ra mẻ đầu tiên đưa chồng uống thử, chồng kêu “Mốt nấu sữa dởm xíu em uống toàn thấy mùi sữa thơm qúa không thấy mùi trà”. Ủa là khen hay chê? Mà coi như nhận xét chân thành, rút kinh nghiệm các mẻ sau cho lượng sữa bớt lại, hãm trà lâu hơn cho thơm rồi cũng thành công, tuần nào cũng 2 cử đều đều.

Việc bếp núc mùa dịch còn thay đổi quan niệm của mình nữa. Trước đây mình nghĩ đó là công việc chán ngắt và không có gì vui cả. Nhưng hiện tại mình đã cảm nhận được niềm vui của việc chọn thực phẩm, lặt rau, sơ chết, tẩm ướp gia vị hay chế biến.

Lúc nấu ăn cũng như lúc đang hành thiền vậy, mình càng đặt tâm tư của mình vào món ăn, ngay lúc này, ngay tại đây thì món ăn tự nhiên như có hồn vậy, vừa ngon hơn, mà vừa được trang trí ra dĩa cũng rất đẹp mắt điều hoà.

Nhờ Covid  được trao cho cơ hội giao tiếp, gặp gỡ nhau hàng ngày. Thật may, việc chia sẻ và quan tâm của chồng khi vợ vào bếp cũng giúp cho bữa ăn thêm ngon và không khí gia đình thêm đầm ấm. Mình cảm giác Covid vừa tạo cơ hội cho chúng mình gắn kết thông qua những bữa ăn với nhau nhiều hơn vậy.

Bếp núc nhìn phức tạp vậy mà cũng đơn giản thôi, nếu bạn có thật nhiều tình thương với người ấy. Giống như ngày xưa bà và mẹ vì tình thương bao la mà mỗi ngày đều tạo nên những mâm cơm đi xa mãi nhớ.

Sau này nếu mọi thứ trở lại bình thường, chắc mình cũng không nấu hàng ngày như hiện nay, nhưng mình sẽ cố gắng nấu thường xuyên hơn để vợ chồng mình có những khoảng thời gian kết nối sau những giờ bôn ba ở bên ngoài.

 

Joy Vo,

Nhớ lại mùa Covid.

Tháng 02,2022