NỖI SỢ LIỆU CÓ ĐÁNG SỢ?

Ai mà chẳng mang trong mình những nỗi sợ nhỉ? Nỗi sợ, giống như những cọng cỏ dại, cứ âm thầm mọc sum suê trong khu vườn nội tâm.

Nỗi sợ xuất hiện ở mọi nơi, mọi trải nghiệm, mọi ngóc ngách của cuộc sống. Dường như càng lớn thì chúng ta càng xuất hiện nhiều nỗi sợ khó gọi tên.

Sợ bị thất bại.

Sợ bị phản bội.

Sợ bị tổn thương.

Sợ bị đào thải.

Sợ không vượt qua nghịch cảnh.

Sợ đau ốm.

Sợ gặp xui rủi.

Sợ điều ra tiếng vào.

Muôn vàn nỗi sợ xuất hiện khiến chúng ta sống dè chừng và đề phòng. Ta đề phòng cả người ta thương. Ta đề phòng cả những chuyện chưa xảy đến. Ta đề phòng bằng những hợp đồng bảo hiểm. Ta đề phòng bằng tất cả mọi cách khiến nỗi sợ nhỏ bé lại. Thậm chí từ bỏ cả ước mơ, hoài bão, đam mê ta cũng không ngần ngại.

Nghe liệt kê có vẻ thật đáng sợ, như cái tên của nó.

Nỗi sợ xuất hiện trên đời như một sự cảnh báo trong tiềm thức, hoặc sau những trải nghiệm đau thương.

Nếu bạn để ý, những người hạnh phúc, và thành công nhất trên cuộc đời này chính là những người đã vượt qua nỗi sợ bằng những cách phi thường nào đó.

Đương nhiên, sẽ luôn tồn tại những nỗi sợ chẳng bao giờ biến mất, nó luôn vi tế ẩn hiện dưới nhiều hình thức và được hợp lý hoá dưới những quan niệm. Nhưng không vì thế nỗi sợ xuất hiện và trở nên vô ích.

Nỗi sợ ở đó, và có ích cho cuộc đời theo cách riêng của nó.

Nỗi sợ ở đó, để chúng ta học từ những thất bại và chiệm nghiệm cho những lần hành động tiếp theo.

Nỗi sợ ở đó, để báo động cho chúng ta về những điều quý giá khi đã mất sẽ chẳng bao giờ trở lại.

Nỗi sợ ở đó, để chúng ta suy nghĩ nghiêm túc hơn trước những điều mình dự định, để chúng ta lùi lại một bước và quan sát mọi thứ cẩn trọng hơn.

Nỗi sợ ở đó, để chúng ta biết rằng những điều chúng ta lo sợ là những điều ta trân quý nhất trên cuộc đời.

Bạn sẽ chẳng thể nào vượt qua nỗi sợ nếu bạn không dám nhìn thẳng vào đó. Có những người chọn từ bỏ ngay khi trong lòng khởi lên nỗi sợ. Có những người thậm chí không gọi tên được nỗi sợ của bản thân để tìm cách giải quyết vấn đề. Có những người lại thích lòng vòng né tránh nỗi sợ, không dám nhận rằng mình đang sợ và thử nhìn nhận mọi thứ thật thấu đáo. Có những người phớt lờ nỗi sợ để hành xử một cách xốc nổi và gặt lấy trái đắng. Nhưng cũng có những người dù biết mình đang sợ hãi, vẫn nhìn trừng trừng vào đó mà tìm cách tìm hiểu và xử lý những nguyên nhân gây nên nỗi sợ.

Dù nỗi sợ là gì đi chăng nữa thì nó xuất hiện trong lòng bạn là có nguyên do. Nỗi sợ xuất hiện khi bạn chưa cảm thấy mình đủ giỏi. Nỗi sợ xuất hiện khi bạn chưa có đủ thông tin cần thiết, mọi thứ đều mơ mơ hồ hồ. Nỗi sợ xuất hiện khi bạn quá mong cầu một điều gì đó vượt ngoài khả năng. Nỗi sợ xuất hiện khi bạn không chấp nhận việc gặp bất trắc, mất mát hay đau khổ.

Nhìn nhận bản chất của nỗi sợ không giúp bạn hết sợ, làm sao mà hết được.

Nhưng chắc hẳn, nhìn nhận được vấn đề gây ra nỗi sợ trong lòng, sẽ khiến bạn bình tâm để tìm cách giải quyết. Cái gì không giải quyết được có lẽ cũng giúp cho bạn chấp nhận điều đó.

Nỗi sợ cũng giống như những cảm xúc khác xuất hiện trong cuộc đời, là một vị khách ghé thăm bất chợt cần được tôn trọng và chú tâm. Quan sát nỗi sợ cũng chính là đang quan sát tâm hồn mình trong những ngày yếu đuối, ai mà chẳng có những ngày như thế chứ?

Cách bạn đối diện với vị khách đó như thế nào cũng chính là cách bạn nhận lại những bài học khác nhau từ cuộc đời.

Thay vì né tránh với nỗi sợ, hay tảng lờ như thể mình là người mạnh mẽ nhất trên cuộc đời có lẽ chúng ta nên học cách ôm ấp nỗi sợ của chính mình. Thành thật với chính bản thân cũng là một cách làm giảm thiểu những nỗi sợ không tên trong cuộc đời.

Nỗi sợ xuất hiện có giá trị của nó, và giá trị lớn nhất là để bạn vượt qua những giới hạn của bản thân để ngày một hoàn thiện chính mình. Điều đó cần rất nhiều nghị lực, vị tha và cả sự chân thành với chính mình.

Hãy cứ sợ hãi, nhìn ngắm nỗi sợ của mình, lắng nghe những điều chúng muốn nói. Đôi khi câu trả lời mà bạn hằng tìm kiếm lại nằm ngay tại đây.

 

Joy Vo,

Tháng 03,2022