THE ART OF BEING YOURSELF

Trong những ngày mò mẫm tìm kiếm, tình cờ mình được đưa đường dẫn lối tới một bài Ted Talk vô cùng thú vị của cô Caroline McHugh – The Art Of Being Yourself

Hẳn là đâu đó trong một vài khoảng thời gian đối diện khó khăn, hoặc vài thứ mông lung trong cuộc đời, bạn đã được khuyên là “be yourself” – hãy là chính bạn.

 

Thế nào là “hãy là chính bạn”?

 

Mấy điều tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra bao nhiêu người hiểu rõ bản thân mình, một cách trung thực và chân thật nhất?

Người chị Mentor của mình đã từng nói rằng “Đối diện với bản thân là một trong những điều khó khăn, đau khổ và cô đơn nhất.” Đến giờ, qua mỗi ngày, mỗi giấy phút tìm hiểu về bản thân mình rất đồng tình với điều này.

Bài Ted Talk này đến với mình một cách tình cờ, mà lại vô cùng sâu sắc. Triết lý tưởng chừng vô thưởng vô phạt, vô cùng cũ rích kiểu “cliché” thì bây giờ được một người phụ nữ thông thái lý giải một cách đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và chân thực.

Nếu bạn hứng thú, hãy tìm nghe nguyên bản của đoạn chia sẻ trên youtube và cũng có rất nhiều subtitle để tự chiêm nghiệm.

Phần chính của đoạn chia sẻ chỉ vỏn vẹn trong tấm hình sau (hình này mình cũng tìm trên Internet – không phải của mình ạh)

Về cơ bản, mỗi người bao gồm 4 bản thể, tương ứng 4 vòng tròn trong hình:

 

1. PERCEPTION: WHAT EVERYONE ELSE THINKS OF YOU – ĐIỀU NGƯỜI KHÁC NGHĨ VỀ BẠN

Đây là điều dễ thấy nhất, vì chính là những hành động và phản ứng mà bạn trưng ra cho thế giới thấy về bạn. Những điều này được hình thành do bạn mong chờ sự chấp nhận của người khác, bạn bận lòng về suy nghĩ của người khác về bản thân. Cơn nghiện của sự chấp nhận (approval addiction) là trở lực lớn nhất khiến bạn tự do trong suy nghĩ, không chấp mắc khỏi những định kiến và đánh giá của những người xung quanh (perception-free)

Đoạn này gợi lên câu nới “If you only knew how little time people everyday spend thinking about you, you would stop worrying about it” – Nếu bạn biết được khoảng thời gian thực tế mọi người nghĩ về bạn trong một ngày, có lẽ bạn sẽ không còn lo lắng về điều đó nữa.

Quả thật, chẳng ai nghĩ về những điều bạn làm, những lời bạn nói như chính bạn hay lầm tưởng về chính bản thân.

Để thoát khỏi sự kìm hãm của cảm nhận xung quanh ảnh hưởng đến mình, bạn cần hiểu về vòng tròn thứ 2 tiếp theo đây.

2. PERSONA: WHAT YOU’D LIKE THEM TO THINK OF YOU – ĐIỀU BẠN MUỐN MỌI NGƯỜI NGHĨ VỀ BẠN

Đây là điều bạn xây dựng trong quá trình thích ứng với cuộc sống và dòng chảy xã hội. Nó không hẳn xấu, ngược lại, đó chính là trải nghiệm và tính cách của riêng bạn được xây dựng một cách độc đáo và riêng biệt. Persona của bạn sẽ thay đổi theo năm tháng bạn sống và va chạm trên cuộc đời này. Việc thay đổi là tất yếu, vì mối bận tâm của bạn sẽ thay đổi theo thời gian và trách nhiệm bạn gánh lấy, cùng nhiều mối tương quan ảnh hưởng khác.

Đa số mọi người sống một cuộc đời nửa tỉnh nửa mê cho đến khi một sự kiện chấn động ảnh hưởng đến cuộc sống của họ (thường mình hay gọi sự kiện này là wake-up call). Sự kiện này có thể là sự mất mát người thân, một tai nạn nghiêm trọng, một thất bại thảm hại hay là việc đối diện với những thiên tai khủng khiếp.

Lúc này câu hỏi lớn nhất bạn sẽ luôn tự hỏi về bản thân mình.

Đây là khúc mắc phần lớn chúng ta gặp phải và cả bản thân mình cũng vậy. Ta luôn tự tin, cao mạn và lừa dối bản thân đến mức chỉ có thể nhìn nhận sâu sắc về bản thân trong tình thế yếu ớt nhất, tổn thương nhất.

“If you could be the human of your dream, who would you be?” – Nếu có thể trở thành một người bạn mơ ước, bạn mong muốn trở thành ai?

Thú vị là điều ngăn trở bạn trở thành con người bạn mơ ước chính là vòng tròn tiếp theo.

3. EGO: WHAT YOU THINK OF YOU – ĐIỀU BẠN NGHĨ VỀ BẠN

Đoạn này đối với mình thật sự đắt giá. Những người có Ego cao thường là những người thiếu tự tin nhất trong cuộc đời, họ dành quá nhiều sự quan tâm đến bản thân và nâng bản thân lên một tầm quá cao đến mức quên mất bản chất thật sự. Cũng có lúc, họ hạ bản thân mình quá thấp so với thực tế, tự dè bỉu và coi thường bản thân.

Cái tôi nào cũng quá sức khập khiễng, và gây tổn thại đến bản thân bạn.

Không chỉ mỗi mình, đa số những người mình từng gặp đều có một Ego khá cao đến mức đánh mất cơ hội đối thoại với bản thân chúng ta, từ đó sống một cuộc đời mà ngay cả chính mình còn hoài nghi.

Một khi làm chủ được bản thể Ego, bạn đã phần nào đạt được tới sự tự tin. Đoạn này làm mình liên tưởng đến một câu nói của Norman Fisher đã mô tả một cách rất đáng yêu về sự tự tin đích thực trong cuốn “Search Inside Yourself”

“Tự tin không phải là tự phụ…Khi bạn thực sự tự tin, cái tôi của bạn sẽ mềm dẻo: tuỳ tình huống, bạn có thể nắm lấy cái tôi hoặc buông bỏ nó để học một cái gì đó hoàn toàn mới thông qua việc lắng nghe. Và nếu bạn phát hiện ra rằng bạn không thể buông bỏ cái tôi, ít nhất bạn biết điều đó. Bạn có thể thừa nhận điều đó với bản thân. Cần rất nhiều sự tự tin để đủ khiêm tốn nhận ra các giới hạn của bản thân mà không chỉ trích chính mình.”

Đối thoại với cái tôi, nhìn thấu vào nó, bóc tách nó ra để mà thú nhận với chính mình rằng mình chưa đủ tốt, hoặc mình không quá tệ như mình vốn nghĩ là một cách khiến bạn có thể tìm điểm cân bằng (equilibrium) giữa hai thái cực của cái tôi. Một khi làm được điều này, tâm trí bạn trở nên tĩnh tại, đó là lúc bạn nhìn thấu phần cốt lõi bên trong.

4. SELF: JUST YOU – BẢN THÂN BẠN

Bản thân bạn luôn là cốt lõi của chính mình, từ khi sinh ra đến khi từ giã cõi đời, chẳng qua vì nó bé nhỏ và vi tế nên bị bao bọc bởi bao định kiến, thành kiến, nhân kiến và các sự kiện xã hội. Điều đó không có nghĩa bản thân bạn mất đi – bản thân bạn luôn ở đó.

Có lẽ nói đến đây thì gần như nó thuộc về một phần triết lý và đạo giáo của phương đông, cho dù con người về thể lý và tâm trí phát triển hay thay đổi đến mức nào thì đâu đó có một phần cực vi tế vẫn tồn tại từ bao đời bao kiếp.

Mỗi người có lẽ sẽ có những giai đoạn khác nhau để tiếp nhận lấy “personal calling” để nhận ra mình vẫn còn những điều đang bỏ quên ở tận sâu bên trong. Để làm được điều này, không ít người trải qua đau khổ, không ít người trải qua mất mát tột cùng. Để làm được điều này, để chạm đến “viên ngọc quý” phía trong tâm hồn, bạn cần rất nhiều cố gắng để tìm kiếm, để lắng nghe, để dằn vặt, để đau khổ và để chấp nhận.

“So if you can do this, not only will the speed of your life get quicker, not only will the substance of your life get richer, but you will never feel superfluous again.”

– Và một khi bạn làm được điều đó, không những làm cho cuộc sống của bạn diễn ra nhanh hơn, cuộc đời bạn sống trở nên sâu sắc hơn mà bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mình vô dụng nữa.

 

Một cuộc đời đáng sống.

 

Joy Vo

Tháng 08/2022